Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

thumbnail

Dũng cảm trong thời chiến, vững mạnh trong thời bình

Đúng 66 năm trước, ngày 15-5-1946, Tỉnh ủy Biên Hòa triệu tập hội nghị quân sự toàn tỉnh tại Xóm Đèn (xã Tân Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và quyết nghị hai vấn đề lớn: Thống nhất các lực lượng vũ trang (gồm: du kích trại huấn luyện Sở Tiêu, Vệ quốc đoàn quận Châu Thành, Vệ quốc đoàn Biên Hòa) thành Vệ quốc đoàn Biên Hòa.
* Lấp lánh chiến công
Sau ngày thực dân Pháp tái chiếm Biên Hòa (24-10-1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở Đồng Nai lần lượt hình thành các tổ chức vũ trang: Trại du kích Bình Đa - Vĩnh Cửu, Quân giải phóng quận Châu Thành, Quân giải phóng quận Long Thành, Quân giải phóng Biên Hòa...
Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa gắn huy hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lên cờ truyền thống lực lượng vũ trang Đồng Nai.
Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa gắn huy hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lên cờ truyền thống lực lượng vũ trang Đồng Nai.
Đầu năm 1946, các lực lượng vũ trang thống nhất lại thành lập Chi đội 10 Biên Hòa, do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm chi đội trưởng. Năm 1947, thành lập Tỉnh đội nhân dân, Huyện đội nhân dân. Từ đầu năm 1948 đến cuối năm 1949, Chi đội 10 Biên Hòa lần lượt chuyển thành Trung đoàn 310, Liên trung đoàn 310-301. Tháng 5-1951, LLVT tỉnh được tổ chức thành Tiểu đoàn 303, các đại đội độc lập, các huyện đội và du kích các xã.
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đầu năm 1956, đội vũ trang đầu tiên của tỉnh Biên Hòa thành lập. Tiếp theo đó, từ năm 1957-1965, thành lập các đơn vị Đại đội 50 và sau đó là Đại đội 250, Đại đội 308 (Biên Hòa), Đại đội 240 (sau đó phát triển thành Tiểu đoàn 240); Đội vũ trang tỉnh Long Khánh; các trung đội địa phương của các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và Thị đội đặc công U1 (Biên Hòa). Các tổ chức vũ trang hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là tiền thân của LLVT Đồng Nai ngày nay.
Trải qua hơn 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân địa phương, LLVT Đồng Nai không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, lập nên nhiều chiến công chói lọi,  như các chiến thắng: Gia Huynh, Trảng Bom, Bảo Chánh, Bàu Cá… Đỉnh cao là chiến thắng La Ngà ngày 1-4-1948, trận đánh giao thông lớn nhất (thời kỳ chống Pháp), làm chấn động dư luận trong và ngoài nước; hay nghệ thuật đặc công đánh tháp canh mở đầu cho sự hình thành và phát triển bộ đội đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam; trận đánh vào tổng kho liên hợp hậu cần Long Bình, sân bay Biên Hòa (thời kỳ chống Mỹ)…, đã làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đặc biệt, mùa xuân 1975, cùng với khí thế tiến công của quân và dân cả nước, LLVT Đồng Nai chủ động nắm vững tình hình, kịp thời củng cố lực lượng phối hợp với bộ đội chủ lực và sự nổi dậy của quần chúng đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tuyến phòng thủ cuối cùng của địch, tạo điều kiện để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.
* Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương, LLVT Đồng Nai luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, các quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh.
Căn cứ các cứ liệu lịch sử, tầm quan trọng của Hội nghị quân sự toàn tỉnh Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã ra quyết định công nhận ngày 15-5-1946 là Ngày truyền thống của lực lượng vũ trang (LLVT) Đồng Nai.

Trong giai đoạn cách mạng mới, Đồng Nai luôn xác định xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Thực hiện tốt chức năng là đội quân công tác, quan tâm chăm lo xây dựng mối đoàn kết quân dân gắn bó, đẩy mạnh công tác dân vận, đặc biệt là giúp dân trong lao động sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thực hiện tốt các mặt công tác chính sách, hậu phương quân đội; tạo uy tín, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. LLVT Đồng Nai luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường chính trị ổn định phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với những thành tích và chiến công trong 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT Đồng Nai vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng nhất; 13 Huân chương Thành đồng Tổ quốc và hàng chục cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, LLVT và nhân dân Đồng Nai được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác…
N.G.H

Subscribe by Email

Follow Updates Articles from This Blog via Email

No Comments

About